April 13, 2012

PENTAGON PAPERS

SAU 40 NĂM BÍ MẬT (Hoa-kỳ bán đứng miền Nam VN)  http://www.archives.gov/research/pentagon-papers/

     Đầu mùa hè 2011, Thế giới lên cơn sốt về việc Trung-cộng tạo căn thẳng tại Biển Đông thì ai nấy đều ngóng trông nơi Hoa-Kỳ với niềm hy vọng là Hoa-Kỳ sẽ là cứu tinh giúp họ đối phó với mộng bành trướng của Trung-cộng. Nhưng ngày 14/6/2011, Văn-khố Quốc-gia (National Archives) của Bộ Quốc-phòng Hoa-Kỳ cho giải tỏa (declassify) 7000 trang hồ sơ về những vấn đề của Việt-Nam và Đài-Loan hơn 40 năm trước làm cho niềm tin của nhiều người nơi Hoa-Kỳ tan thành mây khói. Sau đó National Security Archive ở George Washington University đưa ra thêm 28,000 trang hồ sơ, trong đó có những mẫu đối thoại đi vào chi tiết giữa hai Ngoại-trưởng Henry Kissinger và Chu-ân-Lai càng làm cho nhiều người nhìn ra sự thật phủ phàng Hoa-kỳ đã bán đứng Việt-Nam Cộng-Hòa và Đài-Loan để đổi lấy sự làm hòa và giao thương với Trung-cộng.
     Tài liệu này tung ra làm cho hồi-ký của Kissinger xuất bản năm 1979 (The Memoirs) không còn giá trị vì nhiều điều trong hồi-ký của Kissinger viết đều sai với những chi tiết trong tài-liệu này. Hồi-ký của Henry Kissinger viết là để đánh bóng cá nhân và để chạy tội cho bản thân. Tài liệu lịch-sữ của Văn-khố cho thấy chính sách của Bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ là đặt quyền lợi của nước Mỹ là tối thượng cho dù chính sách này đưa đến sự phản bội những đồng-minh cũng như phải dấu diếm và lừa cả chính dân chúng và Quốc-hội Hoa-kỳ.
     Đầu thập niên 1970s, Hoa-kỳ thay đổi sách lược bắt tay với Trung-cộng đối phó với Liên-Xô buộc Hoa-kỳ hất Đài-Loan ra khỏi Liên-hiệp-Quốc và đưa Trung-cộng vào thay thế vị trí này. Cách đây 40 năm, Hoa-kỳ công nhận chỉ có một nước Trung-cộng và Đài-Loan chỉ là một Tỉnh của Trung-cộng với một thể chế đặc biệt !  Hoa-kỳ đã theo đuổi chính sách này 40 năm và sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này cho đến khi Đài-Loan danh chính ngôn thuận thống nhất với Trung-cộng, và thường thì khi sự thống nhất xảy ra, Trung-cộng lúc đó có thể chế đa Đảng.

     Tài-liệu cũng cho thấy Trung-cộng đặt điều kiện giải quyết vấn đề Đài-Loan đi đôi với giải quyết chiến-tranh Việt-Nam. Hoa-kỳ quyết định bỏ rơi Việt-Nam Cộng-Hòa, để cho Cộng-sản Việt-Nam chiếm cả nước và Hoa-kỳ phủi tay trong một thời gian vài thập niên bỏ ngõ Đông-Nam Á và Biển Đông cho Trung-cộng tạo ảnh hưởng. Tài liệu cho thấy khi ấy Bắc Việt rất bối rối và chuẩn bị đầu hàng vì không chịu nổi B52 bỏ Bomb ở Hà-Nội, và Hoa-kỳ tiếp tục bỏ Bomb 2 tuần lễ nữa thì Hà-Nội có lẽ đã đầu hàng, nhưng vì đã thỏa thuận với Bắc-Kinh nên Henry Kissinger và Tổng-Thống Richard Nixon ngưng bỏ Bomb như một hình thức vất đi chiến thắng đang ở trong tầm tay ! Cũng vì chính sách này nên tháng Giêng năm 1974, Trung-cộng đưa Hải-quân đánh Hoàng-Sa, Hải-quân VNCH chiến đấu và kêu gọi Đệ-thất Hạm-đội của Hải-quân Hoa-kỳ đang ở gần đó tiếp cứu nhân đạo, Đệ-thất Hạm-đội nhận đủ tín hiệu xin cấp-cứu nhưng vẫn làm ngơ để mặc cho các thương binh VNCH chết đau thương và oan-ức tại Biển Đông.
     Tại sao Hoa-kỳ tiết lộ những bí mật này ? có phải họ có lòng thành muốn tiết lộ những bí mật đầy lừa lọc và phản trắc đối với các Đồng-minh của họ ?  Bí mật lịch-sử đã vén màn, liệu những Đồng-minh của Hoa-kỳ có còn tin tưởng nơi Hoa-kỳ như họ đã có trước đây ?
     Thật ra Hoa-kỳ ở trong tình thế không thể giữ bí mật lâu dài được nữa vì trước đây những chi tiết này đã rò rỉ ra ngoài hết rồi và nếu cứ tiếp tục dấu diếm những điều mà mọi người đã đoán biết được thì hệ quả của nó còn tai hại hơn cả việc tiết lộ.  Cách đây 40 năm Ông Daniel Ellsberg đã tiết lộ những bí mật này cho The Washington Post, The Times, New York Times, và nhiều cơ quan truyền thông khác tạo một cú sốc trong quần chúng Hoa-kỳ. Ngày hôm nay Văn-khố Quốc-Gia tung ra những tài-liệu cách đây 40 năm chỉ là để xác nhận cách chính thức những tài-liệu Ông Daniel Ellsberg tung ra trước đó là chính xác.

     Ông Daniel Ellsberg là người gốc Do-Thái sinh trưởng tại Chicago (sinh ngày 7/4/1931), là một người phân tích Tình-báo chiến-thuật chiến-lược của Quân-đội. Ông từng là nhân viên của RAND Corporation. Rand là chữ viết tắt của Research and Development, một công-ty bất vụ lợi chuyên phân tích tình hình cho Quân-đội Hoa-kỳ và Doughlas Air Company là một công-ty chế tạo các vũ-khí cho Bộ Quốc-phòng Hoa-kỳ, Rand có 1600 nhân-viên và trong 1600 nhân-viên này có những người làm Tình-Báo cho Hoa-kỳ.
     Năm 1954, sau khi tốt nghiệp ở Harvard, Daniel Ellsberg gia nhập Hải-quân Hoa-kỳ, Ông ra trường đứng đầu lớp cả 1000 người, mang cấp bậc Thiếu-úy. Sau 2 năm phục vụ cho Hải-quân, Ông trở về công việc dân sự, Ông tiếp tục học ở Harvard và tham gia giúp Rand chuyên phân tích tình hình quân-sự. Năm 1964, Ông chính thức làm cho Bộ Quốc-phòng và Ông tham gia biến cố Hạm-đội USS Maddox xảy ra ở vùng vịnh Bắc Việt (Gulf of Tonkin) năm 1964. Khi ấy Hoa-kỳ nói rằng Bắc Việt tấn công Hạm-đội USS Maddox để lấy cớ đánh Bắc Việt nhưng bây giờ tài-liệu đã giải mã, chính Hoa-kỳ dàn dựng vụ này hơn là Bắc Việt. Năm 1965, Ông được chuyển sang làm việc Bộ Ngoại-giao đặc trách phân tích tình hình Việt-Nam. Năm 1967, Ông trở về làm cho Rand và cho Bộ Quốc-phòng, trực tiếp chịu trách nhiệm với Bộ-trưởng Quốc-phòng.
     Năm 1969, Ông không có thiện cảm sách lược của Hoa-kỳ với cuộc chiến Việt-Nam và sau khi nghe Randy Kehler (sinh năm 1944), một trong những người phản chiến thuyết trình rất hùng hồn, Ông Daniel Ellsberg trở thành một trong những người chống chiến tranh. Sau khi đã có thiện cảm với nhóm phản-chiến và ở cương vị một người có thể tiếp xúc được những tài-liệu tối mật của Quốc-gia, cùng với Anthony Russo (1934-2008) làm ở Rand. Daniel Ellsberg bí mật giao lại (copy) nhiều tài-liệu tối mật và rò rỉ ra ngoài cho báo chí biết. Tài-liệu rò rỉ bí mật nầy được giới truyền thông Hoa-kỳ đặt tên cho là PENTAGON PAPERS. Năm 1970, Daniel Ellsberg cố gắng ảnh hưởng trên các Thượng Nghị-sĩ bằng cách thuyết phục các Đổng-lý Văn-phòng (chief-of-staff) của các Thượng Nghị-sĩ những tàn hại về chiến-tranh Việt-Nam.

     Chủ-nhật ngày 13/6/1971, lần đầu tiên báo Times đăng trích đoạn từng phần của 7000 trang. Tổng-thống Richard Nixon và Henry Kissinger bị cú đấm bất ngờ, lập tức phản ứng một cách hung hãn, cách chức nhiều người họ nghi ngờ. Nixon nói: "hảy cách chức ngay những tên đầu não". Nội các của Nixon nộp đơn khẩn cấp xin Tối cao Pháp-viện ngăn cấm không cho Times và các Báo chí không được đăng tải những tin tối mật của Quốc-phòng. Times và các cơ-quan truyền thông báo chí nhất quyết không chịu tiết lộ Daniel Ellsberg là nguồn gốc nhận tin của họ. Daniel Ellsberg phải trốn chui trốn nhủi trong bí mật suốt 2 tuần. Sau 2 tuần, Tối-cao Pháp-viện phán quyết Times có quyền tiếp tục đăng tải những thông tin tối mật của Bộ Quốc-phòng được rò rỉ tới họ vì đây là Tự-do ngôn-luận được bảo-vệ bởi Tu Chính-Án thứ Nhất. Phán quyết nầy như một cú tát tai vào mặt Nội-các của Tổng-thống Richard Nixon.

     Ngày 28/6/1971, Daniel Ellsberg và bạn đồng nghiệp Anthony Russo nộp mình cho FBI ở Boston Massachussett. Chính-phủ Liên-bang Hoa-kỳ truy tố 2 người vi-phạm Đạo-luật Tình-báo năm 1917 (Espionage Act 1917). Sau 2 năm điều tra và nhiều biến chuyển, vào tháng 5 năm 1973, Chánh-án William M. Byrne, Jr. ra lệnh bãi nại vụ án. Sau vụ án này, Daniel Ellsberg đi thuyết trình nhiều nơi về các đề tài chính trị cũng như các bí mật lịch-sử liên quan đến Việt-Nam và Đài-Loan.

     Daniel Ellsberg và Anthony Russo đã tiết lộ bí mật cách đây hơn 40 năm và hiện nay Daniel Ellsberg còn sống và còn đi thuyết trình những vấn đề đó nên Văn-khố Quốc-gia chấp nhận Bạch-hóa hồ-sơ. Khi bạch-hóa hồ sơ thì một hình thức nào đó họ cũng xác nhận chính-sách của Hoa-kỳ là "Quyền-lợi của Hoa-kỳ là tối thượng" nên sẵn sàng bất chấp sự phản bội đối với đồng-minh để đạt mục-tiêu. Trong tương lai, những ai muốn làm đồng minh với Hoa-kỳ thì phải biết điều này mà trong luật họ gọi là "Caveat Emptor" - let the buyer bewware, làm bạn với Mỹ và nếu Mỹ đâm sau lưng một cách bất ngờ thì ráng chịu.

     LỜI KẾT: Hoa-kỳ là siêu-cường số 1 trên thế giới hiện nay nên không giao dịch hoặc làm bạn với Hoa-kỳ thì thiệt hại rất nặng nề. Làm bạn với Hoa-kỳ thì phải biết ưu và khuyết điểm của Hoa-kỳ, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng nơi Hoa-kỳ để rồi không biết tự xây dựng thực lực cho chính bản thân mình thì có ngày vì quyền lợi của Hoa-kỳ, họ bán đứng không kịp trở tay thì đau lòng vô cùng. Trở lại vấn đề Biển Đông, chắc Hoa-kỳ và Trung-cộng đã có một thỏa thuận ngầm gì ở bên trong rồi nên Bộ trưởng Quốc-phòng của Trung-cộng là Trì-hạo-Điền mới dám mạnh miệng tuyên bố với Hoa-kỳ là "Hãy chia đôi Thái-bình Dương" và trong tháng 6 năm 2011 Bắc-Kinh đổ hơn 1000 tỷ Mỹ-kim mua công khố phiếu của Hoa-kỳ. Chỉ có chế độ đa Đảng và sự đoàn kết của người Việt trong và ngoài nước thì mới có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền của Việt-Nam trên 2 Quần đảo Trường-Sa và Hoàng-Sa. Thiếu một trong hai yếu-tố này, nguy cơ mất nước của Việt-Nam là rất gần kề ./.           


HOÀNG-DUY-HÙNG
(Lê phi Ô - trích từ trên Net)